Có nhiều truyền thuyết về cuộc đời của Lỗ Ban như khi ông sinh ra từng đàn sếu tụ tập lại và ngôi nhà toả hương thơm kỳ lạ, hay về những con chim gỗ dẫn đường cho ông chế tác ra những người gỗ bất tử … Tuy nhiên, lịch sử ghi lại Lỗ Ban họ Công Thâu tên gọi là Ban, người nước Lỗ đời Xuân Thu (hiện tại thuộc tình Sơn Đông - Trung Quốc), cùng thời với Mặc Tử (một triết gia nổi tiếng). Vì ông là người nước Lỗ, cho nên mọi người gọi ông là Lỗ Ban. Ông là một người thợ nổi tiếng thời cổ đại và cũng là một nhà phát minh xuất sắc. Từ ngàn năm nay, thợ mộc và thợ xây dựng Trung Quốc đều tôn thờ ông như một vị tổ sư.
Khi kéo cây thước này ra thì chúng ta sẽ thấy có 2 hàng chữ Hán nằm trong các ô, một hàng chữ lớn và một hàng chữ nhỏ. Các bạn cứ lần theo hàng chữ lớn cho đến ô có 1 số nhỏ, đối chiếu ta được 42,9 cm hoặc gần 17 inches, đó chính là chiều dài của một cây thước Lỗ Ban. Tương truyền, chiều dài này được Lỗ Ban tính từ chiều dài trung bình từ cùi chỏ đến đầu ngón tay út duỗi thẳng của loài người. Như vậy, suốt chiều dài cây thước kéo, loại 5 mét chẳng hạn, chỉ là một sự lập đi lập lại hơn 11 cây thước Lỗ Ban.
Thước Lỗ Ban có thước trên và thước dưới, dùng để đo Mộc và đo Thổ. Mặt Thổ dùng để đo đất, trong khi mặt Mộc dùng để đo cửa, bếp, bàn, tủ … Chú ý là khi đo cửa thì phải đo khoảng trống của cửa (lọt lòng), chứ không phải đo phủ bì.
Một cây thước Lỗ Ban có 8 cung (hàng chữ lớn, nằm trong ô vuông), là biến thể của đồ hình Bát Quái, thay vì sắp theo hình tròn người ta trải phẳng theo hàng ngang. Trong 8 cung đó có 4 cung tốt (màu đỏ) và 4 cung xấu (màu đen), đi từ trái sang phải sắp xếp theo thứ tự sau:
Tài - Bệnh - Li - Nghĩa - Quan - Kiếp - Hại - Bản
Thước Lỗ Ban được sử dụng đo đạc trong xây dựng dương trạch (nhà cửa) và âm cơ (mộ phần). Ở đây chỉ bàn về xây dựng nhà cửa.Có nhiều loại thước Lỗ Ban, như thước 38.8cm, 39cm, 39.2cm, 41.5cm, 42.2cm, 42.8cm, 42.88cm, 42.9cm, 51cm, 52cm, 52.2cm, trong đó 03 loại thước 38,8cm, 42,9cm và 52,2cm được ứng dụng phổ biến nhất.
Nên lấy kích thước sao cho rơi vào các khoảng tốt, cung tốt (được tô màu đỏ), tránh các khoảng xấu, cung xấu (tô màu đen). Với cùng một số đo, càng nhiều loại thước cho kết quả vào cung tốt thì càng tốt, nhưng cố gắng để 03 loại thước chính cho kết quả tốt. Nếu điều kiện thực tế không cho phép, thì quan trọng nhất là thước 52,2cm bắt buộc phải cho kết quả tốt.
Nguyên tắc đo:
Hiện nay trên thị trường bán loại thước Lỗ Ban bằng sắt, trên có một vạch, dưới có một vạch. Thợ xây nhà mình hay đồn đại nhau là: "hai đen thì bỏ, hai đỏ thì dùng", nghĩa là nếu thước trên và thước dưới đều rơi vào màu đỏ thì là tốt, dùng được. Nhưng thực ra, hiểu vậy là ấu trĩ, có thể coi là "chả hiểu gì".
Cơ bản thước Lỗ Ban nó có rất nhiều loại, cái hàng phía trên của cái thước cuộn đấy là thước Lỗ Ban trực 8 (bát môn xích) loại 42.9 cm (nghĩa là cái thước gỗ cổ dài tổng cộng 42.9cm, muốn đo đoạn dài hơn thì phải nối nhiều lần thước vào). Thước này là thước đo dương trạch, nghĩa là đo các đồ vật của người dương, nhà cửa,... Còn cái hàng phía dưới là thước Đinh Lan (không phải Lỗ Ban nhé), là loại trực 10 (thập môn xích) 38.8cm chuyên dùng để đo âm phần (mồ mả). Nên về cơ bản, khi xem thước Lỗ Ban với đồ vật hàng ngày, chỉ cần hàng trên tốt là đủ.
Tiếp theo, phải nói thêm là cái thước sắt bán chợ trời nhà ta là loại thước chế, không phải Lỗ Ban nguyên bản. Cái phiên bản 42.9cm thực chất là bắt nguồn từ đảo Đài Loan. Theo nhiều nguồn tài liệu, chỉ có thước Lỗ Ban nguyên bản (xuất xứ từ đại lục TQ) mới là chính thống. Cụ thể loại thông dụng là thước 52.2cm. Nhưng trên thực tế, trong quá trình tư vấn, để chiều lòng khách hàng, người ta thường chọn các khoảng kích thước để đảm bảo cả thước 52.2 và 42.9 đều là tốt.